Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

Lời chúc đầu năm

Tết đến, lời chúc đầu năm mang nhiều ý nghĩa, và là biểu trưng thiêng liêng cho tình cảm giữa con người với nhau. Tết mang đến những gì mới mẻ, trẻ trung, sức sống, cho nên ai cũng muốn chúc Tết và được chúc Tết.
Ngày thường gặp nhau “tiếng chào cao hơn mâm cỗ”. Người Việt lấy ứng xử nhân nghĩa ở đời làm thước đo văn hóa nên chào hỏi trở thành nghi lễ trong xã giao, và nó trở thành nét đẹp văn hóa đời thường. Lời chúc đầu năm thiêng liêng là lời hay ý đẹp dành tặng cho nhau.
Thi sĩ Bùi Nghiệp có bài thơ “Chúc Tết” ngũ phúc lâm môn.
Chẳng có món gì mừng tuổi nhau
Gọi là năm mới tết thêm màu
Thôi thì mượn chữ người xưa cũ
Mến chúc xuân này ngũ phúc sâu 
Phước ngập gia đình lẫn tổ gia
Niềm vui trên dưới sống chan hòa
Ân tình nghĩa thiết luôn đằm thắm
Vắng mặt gần lòng chẳng có xa 
Lộc nảy mầm tươi kết tựu thành
Xum xuê cành lá trổ vươn xanh
Đơm hoa kết trái mau thông đạt
Phấn khởi tiền tài lợi tức nhanh
Thọ với đất trời tựa núi sông
Tuổi già dù đến cứ ung dung
Bên đàn con cháu đông vui đủ
Ríu rít xum xuê cội bách tùng
Khang an tráng kiện tháng ngày vui
Gân cốt bền dai dạo chợ đời
Thời tiết bốn mùa xem nhẹ hẫng
Nắng mưa nóng lạnh chuyện thường thôi
Ninh tĩnh bình yên dưới mái nhà
Khó khăn trắc trở đẩy lùi xa
An cư lạc nghiệp thuyền xuôi mái
Gia tộc luôn vui sống thuận hòa
Ngũ phúc lâm môn đón quý thần
Cận kề gia tộc suốt hằng năm
Đầu xuân mến chúc chư bằng hữu
Vạn sự hanh thông phúc đức tràn…
Những ngày đầu năm, lời chúc trước tiên là dành cho người thân ruột thịt trong gia đình dòng tộc. Đêm 30 Tết, tham dự thánh lễ tất niên, gia đình đoàn viên, cả nhà quây quần nói chuyện tâm tình, ôn lại buồn vui được mất của năm qua đón chờ giao thừa. Thắp nến sáng lung linh trên bàn thờ, đốt nén nhang thơm tỏa ngát. Chuông nhà thờ ngân vang đúng lúc giao thừa. Mọi người dâng lời kinh hạt đầu năm mới, sau đó vui vẻ chúc mừng nhau. Con cháu chúc ông bà cha mẹ, anh chị chúc mừng em, ba mẹ chúc con cái, ông bà chúc con cháu. Lòng ai cũng nao nao thời khắc giao thừa vui vầy trang trọng, gần gũi thiêng liêng ấm áp tình thân.
Sáng Mồng Một, thánh lễ Minh niên, đến nhà thờ gặp nhau ai cũng rôm rả lời chúc mừng năm mới. Cha xứ chúc cộng đoàn, mọi người chúc mừng nhau những lời tốt đẹp. Những ngày tết đến thăm nhau, gia chủ mời ly trà ly rượu thân tình và cầu chúc những lời hay nhất: ơn thánh dồi dào, sức khỏe bình an, hạnh phúc thành đạt, làm ăn tấn tới. Hàng xóm thân quen, người này đến thăm người kia, rộn ràng vui vẻ, nén nhang thắp trên bàn thờ gia tiên, ly rượu đầu xuân mời nhau thân thiết, nói chuyện đầu năm nụ cười tươi nở. Đơn sơ mà ấm áp, thăm nhau chúc nhau mấy ngày xuân được xem như nghĩa cử ở đời thật đáng quý đáng trân trọng. Tiếng Việt vốn phong phú nên lời chúc Tết cũng muôn hình vạn trạng, không cứng nhắc và không sáo ngữ. Ai cũng chọn lọc câu chữ tinh tế để người nghe cảm thấy vui lòng tin tưởng. Lời chúc làm cho tâm hồn cảm thấy thăng hoa hạnh phúc, niềm vui dâng tràn. Gặp nhau đầu năm mới, lời chúc Tết bao hàm nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Ngày thường giận nhau ghét nhau thế nào đi nữa, nhưng Tết đến Xuân về mọi lời chúc đều trở nên chan hòa trân trọng tràn ngập yêu thương gắn bó mọi người gia đình trong giáo xứ. Lời chúc đầu năm trở thành văn hóa thẩm mỹ mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.
Đối với người Kitô hữu, lời chúc Tết hay nhất, mang đến hạnh phúc và niềm vui trọn vẹn chính là Lời Chúa trong sách Dân Số: “Đức Chúa phán với ông Môsê: Hãy nói với Aharon và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ítraen, anh em hãy nói thế này :Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em!Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em!Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!Chúc như thế là đặt con cái Ítraen dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng”(Ds 6, 22-27).
Chúa Giêsu không chúc theo kiểu thế gian. Khi Chúa Giáng Sinh, các thiên thần đã chúc bình an cho người thiện tâm. Khi Phục Sinh, Chúa cũng chúc bình an cho các môn đệ trung thành. Bài giảng trên núi “Tám mối phúc thật” là Hiến Chương Nước Trời, Chúa Giêsu chúc phúc cho những thân phận nhỏ bé, bị thua thiệt hay bị áp bức đáng thương, cùng những tâm hồn biết hướng về Chúa, về tha nhân.
Chúa Giêsu không chúc “phú quý thọ khang ninh” mà chúc phúc Nước Trời cho những ai có tâm hồn nghèo khó, không nô lệ tiền bạc vật chất hay tiện nghi, những người bé mọn, yếu đuối, oan ức, đau buồn, khóc lóc. Khi có tấm lòng thanh thoát, sẵn sàng đón nhận Lời Chúa gieo vào, bén rễ và sinh hoa kết trái, là phúc trường sinh sau này.
Năm Ất Mùi, Mùa Xuân vừa về thì Mùa Chay vừa đến. Mừng Xuân và vui Tết nhưng phải luôn ghi nhớ “mình là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19). Vì thế người tín hữu luôn ghi nhớ lời Chúa dặn dò: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia (nghĩa là của cải vật chất), Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33). Sống theo ưu tiên của Nước Thiên Chúa, người Kitô hữu sẽ giữ được sự tự do thanh thoát và bình an ngay giữa những nhiệm vụ nặng nề nhất, vì họ biết có Chúa là Cha yêu thương cùng lo cho họ và với họ, và chỉ có Người mới đem lại cho họ niềm hạnh phúc đích thực mà họ hằng mong ước.
Sẽ không mong là an khang thịnh vượng, là công thành danh toại, là buôn may bán đắt, là vạn sự như ý, là… là… nhưng chỉ cần tâm nguyện là một năm mới trong tình thương của Chúa, một năm mới bình an, một năm mới theo thánh ý Chúa, một năm mới thuộc về Chúa. Niềm hạnh phúc của một tâm hồn trong sạch và có Chúa ở cùng, cũng chính là niềm hạnh phúc mà chúng ta cầu chúc cho nhau trong năm mới Ất Mùi này.
Lạy Chúa, mỗi lần Tết đến, chúng con dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và ước ao cho tất cả cầu chúc ấy trở nên hiện thực trong năm mới. Giờ đây, dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng con biết rằng Chúa là khởi nguyên và cùng đích của mọi phúc lành. Chúng con xin đặt đất nước chúng con, gia đình, bạn bè thân hữu, và tất cả anh chị em chúng con dưới sự bảo trợ của danh Chúa trong năm mới này. Xin Chúa chúc lành cho chúng con.
Lạy Chúa, khi chúng con chúc lành cho nhau, xin hướng lòng chúng con về Chúa và thưa lên: Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh chị em!
Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh chị em và dủ lòng thương anh chị em!Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh chị em!
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Truyện ngắn của lm. Nguyễn Tầm Thường: Tiếng gọi phía bên trong

Tiếng Gọi Phía Bên Trong
Mẹ May Mắn Hơn Con
Trích tập truyện ngắn
     Giới thiệu: "Con gái Việt phải đi lấy chồng Đài Loan đúng là một thảm trạng của nòi giống Việt! 'Thuê một con ở Philippines mỗi tháng phải trả bao nhiêu tiền mà không được làm tình. Như lão nhà đây là sướng nhất rồi đấy, rẻ chán!' Lm. Nguyễn Tầm Thường đã ghi lại lời họ nói với nhau như vậy trong thời gian làm việc tại Đài Bắc, thành một truyện ngắn trong tác phẩm Tiếng Gọi Phía Bên Trong. Truyện đã viết 10 năm về trước như những tiếng "thở ngắn", nay là những tiếng "thở dài", mà có thể còn dài hơn... 'Truyện ngắn trong chữ nghĩa mà dài như hơi thở của cõi làm người.' Bây giờ lại tới thảm cảnh đi lấy chồng Hàn quốc! Mẹ Việt Nam ơi!!! (Lm. Trần Cao Tường)
      Chàng đạp xe qua ngõ nhà nàng đã mấy vòng, không muốn vào. Ngại. Hai lần qua, mới dựng chiếc xe vào gốc vú sữa, đã có tiếng trong nhà vọng ra: "Nó không có nhà". Từ hôm đó, chàng thấy ngại làm sao ấy. Quen nàng có tới nửa năm nay rồi thì phải. Tình yêu như những đám mây, có đó mà sao thấy mong manh. Không ai dám giơ tay bắt sợ vuột mất sẽ đau. Chàng linh cảm có chuyện gì chẳng lành đang xẩy ra trong gia đình nàng. Từ tháng nay nàng thay đổi, hỏi gì cũng không nói. Chỉ buồn. Chàng không còn vào nhà nàng chơi như xưa. Đạp xe qua ngõ vòng nữa. Không nhìn thấy nàng. Chỉ biết nhớ.
*
      Tiếng cô chiêu đãi viên hàng không vang lên. "Yêu cầu quý khách đáp chuyến bay Hồ Chí Minh City đi Taipei khẩn trương ra cửa số 2 để khởi hành." Thế là chấm dứt một hy vọng. Chuyến bay sẽ khởi hành đúng giờ. Nàng không còn hy vọng vào giờ chót máy bay sẽ hư động cơ để được hoãn lại nữa. Tiếng cô chiêu đãi viên lại vang lên hối thúc. Khách đã lục đục kéo nhau ra cổng. Một chuyến đi dài nhất trong đời. Bây giờ nàng chán quá. Không còn cách nào khác để quay về.
      Lúc nãy, chia tay nhau ở cổng, cả nhà đều khóc. Nhiều người khóc cho nhiều cảnh chia tay khác nhau. Ngày nào ở phi trường mà không có nước mắt tiễn đưa, nhưng cuộc ra đi của nàng rất khác. Nàng có cảm tưởng rằng tất cả mọi người đều ái ngại nhìn tâm trạng nàng lúc mà gia đình đứng ngoài hàng rào giơ tay vẫy. Những dòng nước mắt rất lạ. Ngày mai ra sao chưa biết. Cho đến lúc này, cuộc ra đi của nàng rất đỗi xót xa.
      Nàng biết rồi sẽ có lúc thế này, nhưng không ngờ nó mệt mỏi đến như thế. Nếu biết rõ vậy, dứt khoát sẽ không đi. Tương lai thế nào, nàng chưa thấy, sẽ hạnh phúc hơn, hay hôm nay vẫn là hạnh phúc so với những ngày sắp tới trước mặt. Nàng không còn sức để so sánh hiện tại với tương lai chưa tới. Ngay lúc này đây, một nỗi tuyệt vọng. Mẹ đã chuẩn bị tinh thần cho nàng từ mấy hôm nay, mà sao ngày ra đi vẫn bi ai quá. Ngược về mấy tuần lễ qua, từ cái ngày khởi đầu ấy, từ tò mò về chuyến đi xa đến băn khoăn háo hức, từ sung sướng đến lo âu tiếc nuối, từ sợ hãi đến chán nản, và lúc này là muốn quay về. Nàng không còn tâm sức để nghĩ, chỉ hy vọng rằng hôm nay là ngày đau khổ nhất, nàng đã đến đỉnh dốc, hy vọng rồi nó sẽ xuống dần.
      Máy bay lao vun vút trên phi đạo, một cái lắc mạnh của thân phi cơ, nâng nàng lên khỏi mặt đất, giật mình. Tất cả là xa lạ, bây giờ không còn ai để mà khóc, nước mắt trong lòng cũng từ từ vơi. Mọi chuyện đã quyết định xong. Con sóng trào lên đến độ cao nhất là lúc nó tung vỡ, rồi cũng phải rơi xuống, rút ra xa. Tâm hồn nàng cũng vậy, nó đã vỡ thành những hạt nước vụn, đang rơi xuống. Con sóng lui ra rồi lấy sức đẩy con sóng khác, có khi còn tàn bạo hơn. Điều ấy chưa cần nghĩ tới. Bây giờ con sóng đang lui xa, hãy nghỉ ngơi đã, tâm trạng nàng là thế. Không phải cái chán nản đang từ từ thay đổi, chỉ là nghỉ ngơi mà chờ những con sóng khác. Nàng tựa đầu vào thành ghế. Không muốn nhìn bất cứ sự gì chung quanh mình. Nhắm mắt. Một màn tối.
      Có lần mẹ nói với nàng, con sẽ đi máy bay. Mấy đứa em nhỏ biết chị sắp được đi máy bay, đứa nào cũng lè lưỡi kinh ngạc, vừa thích thú vừa đe dọa chị, coi chừng nó rơi đấy. Nàng chưa bao giờ được đi máy bay. Bố mẹ nàng cũng thế. Cả đời ông bà không bao giờ mơ tưởng tới. Mẹ cứ thỉnh thoảng nói không biết đi máy bay nó thế nào. Nó lên cao như con chim thế kia thì sợ lắm. Bố nàng bảo nặng thế mà làm sao họ bay lên được, tài tình thật. Nàng cũng không biết làm sao mà khối sắt khổng lồ kia lại lao đi giữa trời mênh mông không có gì chống đỡ. Nó mà hư máy thì không cách nào táp vào lề như những chiếc xe gắn máy nàng vẫn thấy xẩy ra hàng ngày. Đời nàng cũng vậy, đâu có ngờ cất cánh bay lên như thế này. Không giải thích nổi. Trong gia tộc từ đời ông cụ kỵ qua bố mẹ rồi đến nàng, nàng là người đầu tiên trong dòng họ được đi máy bay. Nàng cũng có lúc tò mò hồi hộp nghĩ đến ngày nào đó được ngồi trong máy bay như hôm nay. Thế giới tưởng tượng bao giờ cũng đầy hoa gấm. Bây giờ nàng đang bay giữa trời đất, không một chút gì là thú vị. Ào ào tiếng động cơ, chung quanh kín mít. Không ngờ nó tẻ nhạt đến thế. Vậy mà cả nhà bảo rằng nàng là người đầu tiên trong dòng họ được đi máy bay đấy. Thực tế và mộng mị sao khác nhau quá thế này. Tương lai trước mặt của nàng sẽ ra sao đây?
      Những ngày cuối, bà mẹ tìm hết cách động viên tinh thần con gái bà. Bà dỗ con gái như dỗ một đứa bé, bà đem cả chuyện con gái sẽ được đi máy bay mà nói. Đúng là thế, lần đầu tiên gia đình bà được ra phi trường, nhìn những khối sắt khổng lồ bay lượn. Đối với nàng, chuyện đi máy bay chỉ là viên kẹo cho đứa con nít đang bị sâu răng, nó khóc đầm đìa nước mắt nhìn ông bác sĩ cầm cái kìm, hơi sức đâu mà ăn. Duy có lời mẹ nói rằng con đi ba bữa nửa tháng rồi con lại về thăm thầy mẹ, bây giờ họ đi Đài Loan như đi chợ ấy mà, nàng hy vọng vào những lời nói ấy. Bà động viên tinh thần con gái, nhưng đấy cũng chính là lời động viên tinh thần cho bà. Nếu con bà phải ra đi không bao giờ trở lại, chưa chắc bà đã chịu để con đi. Máy bay mới cất cánh mà nàng đã nghĩ tới lúc quay về thăm mẹ rồi.
*
     Đã gần ba năm xa nhà, vẫn nhận thư mẹ và các em, thư nào cũng nói con sẽ về thăm gia đình ngày gần đây. Thấm thoát, gần ba năm rồi, kể cũng là lẹ, nhưng nó không lẹ đâu, dài như ba thế kỷ. Lúc xuống phi trường, không có ai bên chồng chờ đón như gia đình nàng đã tiễn đưa nàng. Người chồng Đài Loan bảo nàng đứng đó đợi, giả sử lúc đó anh ta bỏ đi thì nàng sẽ chết, nàng cảm thấy bắt đầu cần anh ta. Trở lại với hai cái vé xe buýt, họ lên xe chờ khởi hành. Cuộc tiếp đón trên đất Bắc, nơi mà nàng sẽ làm dâu vọn vẹn có thế.
      Ba năm với căn phòng trọ thuê này rồi. Những ngày đầu không sao nàng ngủ được. Ở cuối một con hẻm trong thành phố, các cao ốc chung quanh như những lô cốt khổng lồ vây chặt đám xóm nhỏ. Chủ đang đuổi dần người thuê để bán đất cho các công ty xây cất chung cư. Suốt ngày đêm, những chiếc cần cẩu cao ngất đóng cừ sắt ầm ầm chung quanh khu nàng ở. Taipei vào mùa hè nóng hơn quê của nàng. Cát bụi từ các cao ốc đang xây dở dang lúc nào cũng bay mù mịt. Căn trọ thuê của hai vợ chồng gồm một phòng ngủ, cái phòng khách bằng ba manh chiếu lớn xếp lại và khu bếp. Đồ đạc không có gì mới. Chủ nhà không sửa sang, máng nước đã hư, vòi nước trong bếp chảy rỉ rả, lạch tạch cả ngày. Họ bảo sắp phá đi xây lại thành chung cư mười mấy tầng. Đã mấy mươi năm, căn hộ này qua không biết bao nhiêu con người. Lâu rồi cũng phải quen, nếu cứ như ngày đầu chắc nàng sẽ chết. Rời phi trường, từ bến xe buýt, người đàn ông, chồng nàng đó, lấy taxi về căn trọ này. Thấm thoát thế mà đã gần ba năm.
      Cuộc đời là những ngỡ ngàng nối tiếp những ngỡ ngàng. Nàng lo quá không biết từ phi cơ xuống, gia đình chồng xúm xít chờ đón thì nàng biết làm sao. Nhưng điều ấy không xẩy ra, lặng lẽ, nhưng thôi cũng được, nàng đỡ phải đối phó với những khó khăn phức tạp. Nhưng trong tâm trí, nàng hoàn toàn không thể nghĩ là chỉ có hai người lấy xe buýt đi như thế về căn nhà trọ. Chồng nàng ôm đồ, xách vali vào, nàng hiểu đấy là tới nhà rồi. Cứ như những người câm điếc. Hai người không hiểu nhau một chữ. Cái gì cũng lạ, ngay cả đôi dép, cái bình nước cũng không giống như ở quê nàng, nhất là cái giường, phải mất bao nhiêu ngày tháng trăn trở. Không biết ở đây tạm đôi ba ngày hay đây là nhà hai vợ chồng sẽ ở suốt đời? Bố mẹ anh em chồng ở đâu, họ có biết nàng đã có mặt trong gia tộc họ hàng của họ chưa? Tuyệt đối, nàng không hiểu một tí gì. Bàng hoàng, lạ lùng. Nàng đã nghe kể những vụ buôn con gái đem sang trung đông, Bangkok, Taiwan bán cho các ổ chứa gái. Nàng sợ run người. Cả tuần lễ nàng không dám đi đâu, chồng đi làm, tối về. Giả sử nàng bị ông ta giết, cũng không ai biết chuyện gì xẩy ra. Bây giờ chỉ biết cầu trời Phật độ trì, nàng hoàn toàn bất lực, trông dựa lòng thương xót của người đàn ông xa lạ kia thôi.
      Đàn ông Taiwan qua nước Nam tìm vợ rất nhiều. Tờ China News số ra ngày 19 tháng 6, 1996, thông tin rằng con số đàn ông Đài Loan qua đất Nam tìm vợ khỏang 30 người mỗi tháng. Tính trung bình mỗi ngày một người con gái xứ Nam về làm dâu xứ Bắc. Ấy thế mà chuyến bay của nàng ngày ấy có một mình nàng thôi. Chia đều ra, có thể ngày trước đó đã có một thiếu nữ và ngày sau đó cũng lại một thiếu nữ nữa. Vào những năm nước Nam nghèo đói, người Taiwan qua đó làm ăn rất nhiều. Các khách sạn sang trọng đều có mặt người Taiwan. Hết thời kỳ mà chiếc xe đạp của bố nàng gẫy cái bi đan bàn đạp, ông nhất định không chịu mua cái bi đan made in Taiwan rồi. Bây giờ Taiwan ngang nhiên vào thị trường kinh tế thế giới bằng những sản phẩm tinh vi. Hồi bấy giờ người ta gọi mấy người như chồng nàng là chú chệt, ở dơ. Bây giờ người Taiwan xách samsonite ra vào những khách sạn lớn. Người dân nước Nam nhìn họ đồng nghĩa với sự giàu có, thèm muốn. Họ là những con buôn qua mở công ti, hãng xưởng. Nếu họ là những người sang trọng giàu có vậy mà không lấy được vợ thì không biết xứ sở họ thế nào. Hay là họ chê con gái xứ Bắc không xinh đẹp, duyên dáng như con gái xứ Nam? Nếu họ qua xứ Nam tìm vợ thì phải có vấn đề chứ.
      Chồng nàng qua xứ Nam cưới nàng không phải là chê con gái xứ Bắc, nhưng là chàng không lấy được vợ. Chàng cũng không phải là người qua xứ Nam với tiền rừng bạc bể để mở công ti, chỉ để tìm vợ thôi. Ngày ở phi trường, nếu chàng nói được tiếng Việt mà gọi nàng là em, chắc không ai hiểu là gì, nàng phải gọi là chú mới đúng tuổi tác chứ. Như giấc mộng, thấm thoát ba năm nàng làm dâu nhà người.
      Nàng còn nhớ như in, mới có gần ba năm chứ nửa thế kỷ nữa nàng cũng không quên được. Mẹ nàng và người đàn bà mối lái nói chuyện cả buổi chiều. Mỗi lúc đi ngang qua, bà mối lái nhìn nàng quan sát từ đầu tới chân. Sau đó mẹ nàng bắn tiếng dạo này nhiều con gái nước Nam lấy chồng Đài Loan quá. Có đứa mới đi vài tháng mà đã về chơi. Người Đài Loan muốn lấy vợ Việt vì họ khen con gái Việt biết chăm nom chồng con, làm ăn giỏi giang hơn con gái Tầu. Khối người sau khi lấy vợ Việt rồi mua đất cho vợ lập nghiệp luôn ở đây để lấy cứ điểm làm ăn. Thời buổi tân tiến, sáng ở Đài Loan chiều đã ở Sài Gòn rồi, cứ như là đi chợ. Người Đài Loan cũng giống y như người mình. Từ những bắn tiếng xa gần, đưa đẩy của mẹ rồi sau cùng nàng về làm dâu xứ Bắc. Chồng nàng không là doanh thương chê thiếu nữ Tầu, không xách somsonite với từng xấp đô la, nên đã mặc cả kỹ lưỡng. Ba ngàn đô la, giá trung bình như bao nhiêu giá những người con gái khác. Một ngàn rưỡi là phần người móc nối và chạy giấy tờ. Bố mẹ nàng một ngàn rưỡi.
      Một ngàn rưởi cũng nhiều chứ, những ba cây vàng cơ mà. Bố nàng chỉ cần có một cây để sắm chiếc xe đẩy cà rem. Ngày ông đi cải tạo, vợ con lên vùng kinh tế mới làm ăn, lúc về, ông sống dựa vào mấy công rẫy đó. Mấy năm cải tạo không chết, về đến nhà rồi còn tai nạn. Trời vẫn thương mới còn hôm nay, cưa trái mìn lấy sắt, sao nó không nổ banh người ông ra, chỉ mất có một con mắt. Bây giờ sắm chiếc xe đẩy cà rem mất có một cây, vẫn còn hai cây, đời ông mãn nguyện. Bà bàn với ông, sắm một cái xe nước mía có mô tơ chạy điện để ép mía nữa rồi cho con Tư trông coi.
      Từ hồi con gái về xứ Bắc làm dâu, bà bắt đầu có những ước mơ. Cái xe đẩy kem đã thành sự thật. Cái xe nước mía đã thành sự thật. Rồi cao hơn, bà nghĩ ngày kia thằng con trai sẽ có cái xe gắn máy. Hồi thím Tư chết, nếu có cái xe thì mấy mẹ con chỉ việc đèo nhau đi vài tiếng là tới nơi. Bây giờ nhà ai cũng cố sắm lấy một cái, cần lắm. Rồi bà sẽ mua một cái tivi, sáng trưa, chiều tối, lúc nào buồn buồn là mở cát sét nghe nhạc. Gia đình sẽ rộn ràng. Biết đâu có tủ lạnh làm đá uống vào những lúc trời nóng như hôm nay. Rồi biết đâu nữa một ngày nào đấy, bà gầy được cái xạp nhỏ bán tạp hóa. Lúc đó con Ba, con Tư sẽ đi chạy hàng. Những giấc mơ vẽ ra rất đẹp trong tâm trí bà. Bà nghĩ vài tháng là con bà sẽ về thăm, rồi căn nhà sẽ được quét sơn, một màu tươi mới sẽ đưa gia đình sang một trang sử khác. Gần ba năm rồi chưa thấy con về, ước mơ chưa chết, nhưng nó làm bà thao thức quá. Ngày con gái mới đi, rồi ông già đẩy cái xe cà rem rực rỡ nước sơn mới, với tiếng chuông leng keng, rồi chiếc xe mía ở đầu ngõ, cả lối xóm đều kinh ngạc. Nhiều người thèm thuồng có con gái được như con gái bà.
*
      Đứa con gái đầu lòng của nàng thức giấc, cái miệng dễ thương làm sao, đang ngáp ngủ. Hai con mắt mở to nhìn nàng nhoẻn miệng cười. Cái cằm tròn như quả táo con. Dễ thương quá đi thôi. Cúi xuống hôn lên má con. Bé con thích chí giơ tay khuờ khoạng muốn mẹ bế. Ngày sinh con, nàng nhớ rõ lắm, ngay trong nhà thương, lúc còn mệt vì đau, chồng nàng đã không muốn nhìn con. Tiếng Tầu, nghe câu được câu không, đến bây giờ cũng vẫn thế, nàng chỉ biết mang máng, họ nói chuyện với nhau là bà ấy đẻ con gái. Nàng không là phúc trời đem cho đất Bắc. Nối dõi tông đường mà là con gái làm sao được. Từ hai năm nay, chồng nàng đã luống tuổi rồi, lắm lúc ông nói những tràng tiếng Tầu thật dài, nàng không hiểu được, chỉ biết là ông bực lắm, ông chỉ tay vào đứa con mà nói. Nàng biết đấy là oan khiên.
      Đám bạn bè chồng nàng chắc cũng người cùng quê với ông từ Hoa Lục. Chả mấy lúc họ không sầu muộn, hoài hương bằng những cuộc say vô lại. Hôm nay, lúc ngà ngà rượu, họ chỉ trỏ cả hai mẹ con rồi riễu cười tít mắt. "Thuê một con ở Philippines mỗi tháng phải trả bao nhiêu tiền mà không được làm tình. Như lão nhà đây là sướng nhất rồi đấy, rẻ chán!" Nàng không giỏi tiếng Tầu, nhưng nàng cũng có thể hiểu họ nói chuyện gì với nhau chứ. Nghe vậy, nàng chỉ giả vờ như không biết gì. "Đất Nam nghèo quá nên mới có người xứ Bắc đến mua mẹ. Chứ con sinh ra là gái ở đây rồi mai sau lấy ai đến trả giá hả con." Cúi xuống, nàng nói với con nhỏ như thế rồi ứa nước mắt.
      Đài Bắc 19 tháng 6, 1996

Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

Năm Mùi, tìm hiểu dê trong kinh thánh


Năm 2015 là năm Ất Mùi, cầm tinh con Dê. Ất Mùi là sự kết hợp thứ 32 trong hệ thống Can Chi (Thiên Can, Địa Chi) của người Á Đông, và là sự kết hợp của “can” Ất là âm (đối với dương) với “chi” Mùi là Dê, theo “hành” Mộc (trong ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Thổ, Hỏa). Trong 12 con giáp, Dê là con vật thứ 8.
Cách đây 300 năm, năm 1715 (số La Mã: MDCCXV) cũng là năm Ất Mùi, bắt đầu vào thứ Ba theo lịch Gregory (hoặc một năm thường bắt đầu vào thứ Sáu theo lịch Julius, chậm hơn 11 ngày).
Dê là con vật hữu ích và hiền hòa, nhưng Dê luôn bị mang tiếng xấu. Dê được nuôi nhiều, cả thời xưa lẫn thời nay. Thịt Dê ngon, sữa Dê ngọt, tốt cho sức khỏe. Các món Dê không chỉ ngon, mà còn được dùng để chữa nhiều chứng bệnh. Đúng là “nhất cử lưỡng tiện” vậy!
Dê là một trong số ít các động vật được nhắc tới trong Kinh Thánh – cả Cựu ước và Tân ước. Trong Cựu ước, Dê là con vật được ưa thích, là biểu tượng đẹp. Trong Tân ước, Dê là con vật không được ưa thích, là biểu tượng xấu.
Xuân về, Tết đến, chúng ta có thời gian rảnh để vui chơi, nghỉ ngơi. Nhân dịp Xuân Ất Mùi, chúng ta cùng xem Dê xuất hiện trong Kinh Thánh như thế nào, tốt hay xấu, và cũng là dịp xem lại những phần Kinh Thánh mà có thể nói rằng hiếm khi chúng ta có thời gian ngó tới, đặc biệt là dịp để tự xét mình. Vui Xuân, ăn Tết, nhưng vẫn luôn tâm niệm lời Đức Giêsu Kitô vừa nhắn nhủ vừa khuyến cáo: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).
DÊ TRONG CỰU ƯỚC
1. Thiên Chúa kêu gọi ông Áp-ram và hứa: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12:1-3).
Ông Áp-ram được 75 tuổi khi ông rời Kha-ran. Ông Áp-ram đem theo vợ là bà Xa-rai, cháu là ông Lót, và mọi tài sản họ đã gầy dựng được, cùng với gia nhân họ đã có tại Kha-ran, đi tới đất Ca-na-an.
Khi nạn đói hoành hành trong xứ ấy, và ông Áp-ram xuống trú ngụ ở Ai-cập. Khi gần vào Ai-cập, ông nói với bà Xa-rai: “Bà coi, tôi biết bà là một người phụ nữ có nhan sắc. Khi người Ai-cập thấy bà, họ sẽ nói: ‘Vợ hắn đấy!’, họ sẽ giết tôi và để cho bà sống. Vậy xin bà cứ nói bà là em tôi, để vì bà, người ta xử tốt với tôi, và nhờ bà, tôi được sống” (St 12:11-13). Quả đúng như ông Áp-ram dự đoán. Khi họ đến Ai-cập, người Ai-cập thấy vợ ông rất xinh đẹp. Quan lại của Pha-ra-ô thấy bà thì ca tụng bà trước mặt Pha-ra-ô, và bà bị đưa vào đền Pha-ra-ô. Vì bà, người ta đã xử tốt với ông Áp-ram. Ông được chiên, , bò, lừa, tôi trai tớ gái, lừa cái, lạc đà. Tại vì bà Xa-rai, Đức Chúa giáng những tai ương lớn xuống Pha-ra-ô và gia đình vua. Pha-ra-ô bèn cho gọi ông Áp-ram đến và nói:“Ngươi làm gì ta thế? Tại sao ngươi đã không khai với ta rằng: nàng là vợ ngươi? Tại sao ngươi lại nói với ta: ‘Nàng là em tôi’, khiến ta đã lấy nàng làm vợ? Bây giờ, vợ ngươi đấy, hãy nhận lấy và đi đi!” (St 12:18-19). Sau đó, Pha-ra-ô ra lệnh cho người của vua tống ông Áp-ram đi, cùng với vợ ông và tất cả những gì ông có.
Sau các việc đó, có lời Đức Chúa phán với ông Áp-ram trong một thị kiến rằng: “Hỡi Áp-ram, đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn” (St 15:1). Người còn phán với ông: “Ta là Đức Chúa, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi thành Ua của người Can-đê, để ban cho ngươi đất này làm sở hữu” (St 15:7). Ông thưa:“Lạy Đức Chúa, làm sao mà biết là con sẽ được đất này làm sở hữu?” (St 15:8). Người phán với ông: “Đi kiếm cho Ta một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một chim gáy và một bồ câu non” (St 15:9). Ông làm theo lệnh Người truyền. Ông xẻ đôi những con vật ấy, đặt nửa này đối diện với nửa kia; còn chim thì ông không xẻ.
Khi mặt trời đã lặn và màn đêm bao phủ, bỗng có một lò nghi ngút khói và một ngọn đuốc cháy rực đi qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi. Hôm đó, Đức Chúa lập giao ước với ông Áp-ram: “Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông Ai-cập đến Sông Cả, tức sông Êu-phơ-rát, đất của những người Kê-ni, Cơ-nát, Cát-môn, Khết, Pơ-rít-di, Ra-pha, E-mô-ri, Ca-na-an, Ghia-ga-si và Giơ-vút” (St 15:18-21). Ông Áp-ram trở thành Tổ phụ Áp-ra-ham.
2. I-xa-ác là con của ông Áp-ra-ham. Khi ông I-xa-ác đã già, mắt ông loà không trông thấy nữa. Ông gọi con trai lớn của ông là Ê-xau đến, ông nói: “Con thấy không, cha già rồi, không biết chết ngày nào. Bây giờ con hãy lấy khí giới của con, ống tên và cây cung của con, ra đồng săn thú cho cha. Con hãy làm cho cha một món ăn ngon như cha thích, rồi đem đến cho cha ăn, để cha đích thân chúc phúc cho con trước khi chết” (St 27:2-4). Lúc đó, bà Rê-bê-ca nghe được. Khi Ê-xau đi ra đồng săn thú, bà Rê-bê-ca nói với con trai là Gia-cóp: “Này, mẹ vừa nghe cha con nói với anh con rằng: ‘Con hãy đem thịt rừng về cho cha và làm cho cha một món ăn ngon, để cha ăn và chúc phúc cho con trước mặt Đức Chúa, trước khi cha chết’. Giờ đây, con ơi, hãy nghe lời mẹ mà làm như mẹ dạy con. Con đến bầy súc vật bắt cho mẹ hai con dê đực non và mập; mẹ sẽ làm thành một món ăn ngon cho cha con như cha con thích. Con sẽ đem đến cho cha con và cha con sẽ ăn, để người chúc phúc cho con trước khi chết” (St 27:7-10).
Người Ê-xau đầy lông lá, người Gia-cóp nhẵn nhụi. Gia-cóp sợ cha sẽ rờ và biết bị lừa, cha nguyền rủa thay vì chúc phúc. Bà Rê-bê-ca bảo: “Con ơi, nếu con bị nguyền rủa, mẹ sẽ gánh cho; cứ nghe lời mẹ và đi bắt dê cho mẹ” (St 27:13). Gia-cóp đi bắt dê và làm theo lời mẹ dặn. Đàn bà nham hiểm khôn lường! Qquả thật, bà Rê-bê-ca lấy chiếc áo sang nhất của Ê-xau để mặc cho Gia-cóp. Bà lấy da dê non mà bọc lấy tay và phần cổ nhẵn nhụi của cậu, rồi bà đặt món ăn ngon và bánh đã làm vào tay Gia-cóp để đem dâng cho cha là ông I-xa-ác (St 27:16).
Gia-cóp được cha chúc phúc, cướp mất quyền gia trưởng của Ê-xau. Chuyện đời ngày nay cũng vẫn có những chuyện huynh đệ tương tàn, giành nhau đủ thứ, kể cả những gì nhỏ bé nhất. Thật buồn thay!
3. Gia-cóp cất bước đi về đất Phương Đông để đến nhà ông La-ban, cậu nhìn và thấy một cái giếng ở ngoài đồng. Ở đó có ba đàn chiên đang nằm gần giếng, vì người ta cho các đàn vật uống nước giếng này. Trên miệng giếng, có một tảng đá lớn. Khi các đàn vật đã tụ tập đông đủ, người ta lăn tảng đá ra khỏi miệng giếng và cho chiên uống, rồi lại đưa tảng đá về chỗ cũ trên miệng giếng. Gia-cóp hỏi họ ở đâu đến. Họ cho biết từ Kha-ran đến. Cậu hỏi thăm về ông La-ban, con cháu ông Na-kho. Họ trả lời là biết. Cậu hỏi ông la-ban có được bình an không. Họ trả lời: “Ông ấy được bình an; cô Ra-khen, con gái ông ấy, đang đến cùng với chiên và  kia kìa” (St 29:6).
Họ còn đang nói chuyện với nhau thì cô Ra-khen đến cùng với chiên và  của cha cô, vì cô là người chăn súc vật. Gia-cóp vừa nhìn thấy cô Ra-khen, con gái ông La-ban, anh của mẹ cậu, cả chiên và  của ông La-ban, cậu liền lăn tảng đá ra khỏi miệng giếng, cho chiên và  của ông La-ban uống. Gia-cóp hôn cô Ra-khen rồi oà lên khóc. Gia-cóp nói cho cô Ra-khen biết cậu là anh em họ hàng với cha cô và là con trai bà Rê-bê-ca; cô liền chạy về báo tin cho cha. Ông La-ban vừa nghe nói đến Gia-cóp, con của em gái ông, liền chạy ra đón, ôm cậu mà hôn, rồi đưa vào nhà. Cậu kể lại cho ông La-ban hết mọi việc. Ông La-ban nói: “Cháu đúng là cốt nhục của bác” (St 29:10). Gia-cóp yêu Ra-khen nên bằng lòng làm việc không công 7 năm để được cưới nàng làm vợ, bởi vì Gia-cóp quá đỗi yêu nàng Ra-khen duyên dáng và có nhan sắc hơn cô chị, nàng Lê-a. Nhưng ông La-ban lừa Gia-cóp, không chịu giao Ra-khen, nên Gia-cóp vì yêu nàng Ra-khen mà phải làm không công thêm 7 năm nữa. Yêu có khác, bi nhiêu thì bi!
4. Sau đó Gia-cóp được vợ là Ra-khen. Khi Ra-khen sinh được Giu-se, Gia-cóp xin ông La-ban cho về quê hương xứ sở. Ông La-ban muốn trả công cho con rể, nhưng Gia-cóp từ chối và chỉ đề nghị: “Hôm nay con sẽ đi qua tất cả đàn chiên và  của cha, cha hãy để riêng ra mọi chiên con lốm đốm và lấm chấm, mọi chiên con đen tuyền trong số chiên, và con nào lấm chấm và lốm đốm trong số dê cái: đó sẽ là công xá của con. Mai ngày, khi cha đến kiểm soát công xá của con, sự lương thiện của con sẽ làm chứng cho con: Tất cả những con dê không lấm chấm và lốm đốm, những con chiên không đen tuyền trong đàn vật của con, sẽ là của ăn cắp” (St 30:32-33). Ông La-ban đồng ý. Ngày hôm ấy, ông để riêng ra các dê đực vằn và lấm chấm, mọi dê cái lốm đốm và lấm chấm, mọi con vật có vệt trắng, và mọi con chiên đen tuyền; và ông giao chúng cho các con trai ông. Rồi ông để khoảng cách ba ngày đường giữa ông và ông Gia-cóp. Ông Gia-cóp thì chăn những chiên dê còn lại của ông La-ban.
5. Khi đã giàu có, ông Gia-cóp nghe được những lời của các con trai ông La-ban nói rằng: “Gia-cóp đã lấy tất cả tài sản của cha chúng ta, và nhờ tài sản của cha chúng ta mà làm nên cơ đồ ấy”. Ông Gia-cóp nhìn nét mặt ông La-ban và thấy nhạc phụ không còn như xưa nữa, ông vâng lời Đức Chúa trở về quê hương. Ông Gia-cóp sai người đi gọi bà Ra-khen và bà Lê-a ra ngoài đồng, đến chỗ đàn chiên dê của ông, và nói với họ:“Tôi thấy rằng nét mặt của cha các bà đối với tôi không còn như xưa nữa; nhưng Thiên Chúa của cha tôi đã ở với tôi. Chính các bà biết rằng tôi đã phục vụ cha các bà bằng tất cả sức lực của tôi. Cha các bà đã đánh lừa tôi, và đã đổi công xá của tôi mười lần, nhưng Thiên Chúa đã không để cho ông ấy làm hại tôi. Mỗi khi ông nói những con lốm đốm sẽ là công xá của tôi, thì tất cả chiên và  đẻ ra những con lốm đốm; mỗi khi ông nói những con vằn sẽ là công xá của tôi, thì tất cả chiên dê đẻ ra những con vằn. Thiên Chúa đã lấy đàn vật của cha các bà mà cho tôi. Vào thời chiên và  giao nhau, tôi ngước mắt lên và chiêm bao thấy những con dê đực phủ những con cái thì vằn, lốm đốm và khoang” (St 31:5-10). Quả thật, Thiên Chúa luôn bảo vệ và nâng đỡ những người thật thà và chân chính.
6. Giu-se được mười bảy tuổi thì đi chăn chiên và  với các anh. Cậu đi với các con trai bà Bin-ha và các con trai bà Din-pa, các bà vợ của cha cậu. Cậu mách cha tiếng đồn không hay về họ. Ông Ít-ra-en yêu Giu-se hơn tất cả các con, vì ông đã già mới sinh được cậu, và ông may cho cậu một áo chùng dài tay. Các anh cậu thấy cha yêu cậu hơn tất cả các anh thì sinh lòng ghét cậu và không thể nói năng tử tế với cậu. Lòng ghen ghét và đố kỵ thật đáng sợ!
Giu-se chiêm bao, cậu thuật lại cho các anh, khiến họ càng ghét cậu thêm. Cậu kể: “Em lại chiêm bao thấy mặt trời, mặt trăng và mười một ngôi sao đang sụp xuống lạy em” (St 37:9). Các anh ghen tức với câu, cha cậu cũng mắng câu. Khi đi chăn chiên, các anh định thả cậu xuống giếng để sát hại cậu, chỉ có Rưu-vên thương cậu. Những lái buôn người Ma-đi-an đi qua đó kéo Giu-se lên khỏi giếng, các anh bán cậu cho người Ít-ma-ên giá 20 đồng bạc. Những người này đưa Giu-se sang Ai-cập.
Các anh lấy áo chùng của Giu-se, giết một con dê đực, rồi nhúng áo chùng vào máu để chạy tội, làm chứng cớ giả là Giu-se bị thú dữ ăn thịt. Người cha tưởng con trai mình đã bị nạn thật. Ông Gia-cóp xé áo mình ra, quấn áo vải thô ngang lưng và để tang con trai lâu ngày. Tất cả các con ông đến an ủi ông, nhưng ông không chịu cho người ta an ủi; ông khóc thương cậu và nói: “Cha sẽ để tang mà xuống với con cha ở âm phủ” (St 37:35).
7. Ngày tháng trôi qua, người con gái ông Su-a, là vợ ông Giu-đa, qua đời. Mãn tang vợ, ông Giu-đa cùng với bạn là ông Khi-ra, người A-đu-lam, lên Tim-na gặp các thợ xén lông chiên của ông. Người ta báo cho Ta-ma hay: “Cha chồng của chị đang lên Tim-na xén lông chiên của ông ấy!”. Nàng liền bỏ áo bà goá, lấy khăn trùm lên, phủ kín mình, rồi ngồi ở lối vào Ê-na-gim, một thành nằm trên đường đi Tim-na. Nàng làm thế vì thấy rằng Sê-la đã lớn mà người ta không cho nàng làm vợ cậu.
Ông Giu-đa trông thấy nàng, tưởng là một gái điếm, vì nàng đã che mặt. Ông rẽ qua phía nàng bên lề đường và nói: “Cho tôi đến với cô”. Ông không biết nàng là con dâu ông. Nàng hỏi: “Ông cho em gì để đến với em?”. Ông đáp: “Tôi sẽ bắt một con dê con trong đàn gửi đến cho cô”. Nàng lại nói: “Vậy xin ông cho em một vật làm tin, cho tới khi ông gửi đến”. Ông hỏi: “Tôi phải cho cô vật gì làm tin?”. Nàng đáp: “Chiếc ấn của ông, sợi dây đeo ấn và cây gậy ông cầm ở tay”. Ông đưa cho nàng những thứ đó, rồi đến với nàng, và nàng có thai với ông. Nàng đứng lên, đi khỏi, bỏ khăn trùm và mặc lại áo bà goá (St 38:15-19).
Ông Giu-đa nhờ người bạn ở A-đu-lam mang dê con đến, để lấy lại vật làm tin từ tay người đàn bà, nhưng ông này không tìm thấy nàng. Ông này hỏi người địa phương: “Cô điếm thần ở Ê-na-gim vẫn ngồi trên đường đâu rồi?”. Họ đã trả lời: “Ở đây chẳng hề có điếm thần”. Ông về nói với ông Giu-đa: “Tôi không tìm thấy cô ta. Người địa phương còn nói là ở đấy chẳng hề có điếm thần”. Ông Giu-đa nói: “Cô ta cứ việc giữ những thứ ấy! Miễn sao chúng ta đừng bị chê cười. Tôi quả đã gửi con dê con này, còn anh lại không tìm thấy cô ấy!” (St 38:20-23). Về sau, bà này sinh đôi là Pe-rét và De-rác.
8. Sách Lê-vi cho biết cách thức dâng của lễ: (a) “Nếu người ấy tiến dâng chiên dê làm lễ toàn thiêu, một con chiên con hay một con dê, thì phải tiến dâng một con đực toàn vẹn. Người ấy sẽ sát tế nó bên cạnh bàn thờ, về phía bắc, trước nhan Đức Chúa” (Lv 1:10-11), (b) “Nếu lễ tiến của người ấy là một con dê, thì phải tiến dâng nó trước nhan Đức Chúa. Người ấy sẽ đặt tay trên đầu con vật, và sẽ sát tế nó trước cửa Lều Hội Ngộ. Các con A-ha-ron sẽ rảy máu nó chung quanh bàn thờ” (Lv 3:12).
9. Giống như chiên,  được dùng làm của lễ đền tội.
– Đối với chức sắc: “Nếu một đầu mục phạm tội, và vô ý làm một trong những điều mà mệnh lệnh Đức Chúa, Thiên Chúa của nó, cấm làm, khiến nó mắc lỗi, nếu người ta cho nó biết tội nó đã phạm, thì nó phải đưa đến một con dê làm lễ tiến, một con đực toàn vẹn. Nó sẽ đặt tay trên đầu con dê và sát tế trước nhan Đức Chúa, ở nơi sát tế lễ vật toàn thiêu. Đó là lễ tạ tội. Tư tế sẽ dùng ngón tay lấy máu lễ vật tạ tội và bôi lên các góc cong của bàn thờ dâng lễ toàn thiêu, rồi đổ máu còn lại xuống chân bàn thờ dâng lễ toàn thiêu. Còn tất cả mỡ, tư tế sẽ đốt cho cháy nghi ngút trên bàn thờ, như mỡ của hy lễ kỳ an. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội như thế cho người ấy khỏi tội của mình, và người ấy sẽ được tha” (Lv 4:22-26).
– Đối với thường dân: “Nếu một thường dân vô ý phạm tội, làm một trong những điều mà mệnh lệnh của Đức Chúa cấm làm, khiến nó mắc lỗi, nếu người ta cho nó biết tội nó đã phạm, thì vì tội đã phạm, nó sẽ đưa đến một con dê làm lễ tiến, một dê cái toàn vẹn. Nó sẽ đặt tay trên đầu lễ vật tạ tội và sát tế lễ vật tạ tội ở nơi sát tế lễ vật toàn thiêu (Lv 4:27-29).
– Các trường hợp phải dâng lễ đền tội: “Khi một người nào phạm tội, vì tuy là nhân chứng về một việc đã thấy hoặc đã biết, mà không chịu nói ra sau khi đã nghe lời khuyến cáo long trọng, thì nó phải mang lấy tội một mình; hoặc khi một người nào đụng đến bất cứ vật gì ô uế – như xác chết một dã thú ô uế, xác chết một gia súc ô uế, xác chết một con vật ô uế – mà không biết, thì nó trở nên ô uế và mắc lỗi; hoặc khi người ấy đụng đến một cái gì ô uế của người ta – những thứ ô uế khiến người ta trở nên ô uế – mà không biết, thì sau khi biết, nó mắc lỗi; hoặc khi một người nào lỡ lời mà thề làm điều gì bất kỳ tốt xấu – trong mọi điều một người có thể lỡ lời mà thề – nhưng không biết, thì sau khi biết, nó mắc lỗi về một trong những điều ấy. Vậy khi ai mắc lỗi về một trong những điều trên thì nó phải xưng thú tội mình đã phạm, rồi phải đưa đến dâng Đức Chúa lễ vật đền tội vì tội đã phạm, là một con chiên cái hay một con dê cái làm lễ tạ tội, và tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho nó khỏi tội (Lv 5:1-6).
  1. Đến ngày thứ tám, ông Mô-sê gọi ông A-ha-ron và các con ông ấy, cũng như các kỳ mục Ít-ra-en, và nói với ông A-ha-ron: “Ông hãy bắt một con bê để làm lễ tạ tội, với một con cừu đực để làm lễ toàn thiêu, cả hai còn toàn vẹn, và hãy tiến dâng chúng trước nhan Đức Chúa. Rồi ông hãy nói với con cái Ít-ra-en bắt một con dê đực để làm lễ tạ tội, một con bê với một con chiên, cả hai phải được một tuổi, toàn vẹn, để làm lễ toàn thiêu, một con bò đực và một con dê đực để làm lễ kỳ an dâng trước nhan Đức Chúa, và một lễ phẩm nhào với dầu; vì hôm nay Đức Chúa sẽ xuất hiện giữa anh em” ( Lv 9:2-4).
  2. Quy định đặc biệt về lễ tạ tội: “Ông Mô-sê hỏi đi hỏi lại về con dê đực dâng làm lễ tạ tội và thấy là nó đã bị thiêu. Ông nổi giận với hai người con còn lại của ông A-ha-ron là E-la-da và I-tha-ma, và nói: Tại sao các anh không ăn lễ vật tạ tội trong nơi thánh, vì đó là của rất thánh? Người đã ban nó cho các anh để xoá bỏ tội lỗi của cộng đồng, để cử hành lễ xá tội cho họ trước nhan Đức Chúa” (Lv 10:16-17).
  3. Việc làm trong ngày xá tội: A-ha-ron sẽ vào thánh điện như thế này: Nó phải bắt một bò tơ để làm lễ tạ tội và một cừu đực để làm lễ toàn thiêu. Nó sẽ mặc áo dài thánh bằng vải gai, mặc trên mình quần đùi vải gai, thắt đai lưng vải gai, đội mũ tế vải gai. Đó là phẩm phục thánh, nó sẽ lấy nước tắm rửa thân thể trước khi mặc vào. Nó sẽ nhận hai con dê đực để làm lễ tạ tội và một con cừu đực để làm lễ toàn thiêu, do cộng đồng con cái Ít-ra-en đem tới. A-ha-ron sẽ tiến dâng con bò tơ làm lễ tạ tội cho chính mình, và sẽ cử hành lễ xá tội cho mình và cho nhà mình. Nó sẽ lấy hai con dê và đặt trước nhan Đức Chúa, ở cửa Lều Hội Ngộ. Nó sẽ bắt thăm chọn giữa hai con dê: một thăm “dành cho Đức Chúa”, một thăm “dành cho quỷ A-da-dên”. A-ha-ron sẽ tiến dâng con dê trúng thăm “dành cho Đức Chúa” và dùng làm lễ tạ tội. Còn con dê trúng thăm “dành cho A-da-dên”, A-ha-ron sẽ để sống và đặt trước nhan Đức Chúa, để cử hành lễ xá tội trên nó và thả nó cho A-da-dên trong sa mạc (Lv 16:3-10).
  4. Thánh Vịnh cho biết rằng Dê được dùng làm lễ tế: “Con tiến dâng Ngài bò, chiên, béo tốt, làm lễ toàn thiêu nghi ngút bay lên” (Tv 66:15). Dân Ai-cập bị Thiên Chúa trừng phạt, Dê cũng bị vạ lây: “Người sai mòng đến cắn, ếch nhái làm tan hoang, cào cào ăn lúa má, châu chấu phá mùa màng; mưa đá huỷ vườn nho, sương muối diệt cây vả, dịch tàn sát chiên, , thời khí hại bò lừa” (Tv 78:45-48).
DÊ TRONG TÂN ƯỚC
1. Giá trị tuyệt đối của Máu Đức Giêsu Kitô: “Người [Đức Kitô] đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta. Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy” (Dt 9:12-14).
2. Máu giao ước của Thiên Chúa: “Sau khi ông Mô-sê công bố cho toàn dân mọi điều răn như đã ghi chép trong Sách Luật, ông lấy máu các con bê, con dê hoà lẫn với nước, rồi dùng len đỏ thắm và cành hương thảo mà rảy trên chính cuốn Sách Luật cũng như trên toàn dân và nói: Đây là máu giao ước, Thiên Chúa đã truyền cho anh em tuân giữ. Rồi, cũng theo cách thức đó, ông rảy máu vào lều thánh và mọi đồ phụng tự” (Dt 9:19-21).
3. Máu bò và máu dê có giá trị trong Cựu ước, nhưng không còn giá trị trong Tân ước:“Năm này qua năm khác, chính những hy lễ đó nhắc cho người ta nhớ mình có tội. Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10:4-7).
4. Vì Đức Tin, có nhiều người phải chịu đau khổ: “Có những người phải chịu nhạo cười và roi vọt, hơn nữa còn bị xiềng xích và bỏ tù; họ bị ném đá, bị cưa đôi, bị chết vì gươm; họ phải lưu lạc, mặc áo da cừu, da dê, chịu thiếu thốn, bị áp bức và hành hạ” (Dt 11:36-37).
5. Trong dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” (Lc 15:29), trước đây gọi là dụ ngôn “Đứa Con Hoang Đàng”, người em đòi chia gia tài rồi đi ăn chơi hoang đàng chi địa. Miệng ăn, núi lở. Ở bước đường cùng, hết cách xoay xở, người em hối hận và quyết trở về với cha. Người em được cha đón nhận mà không trách móc, còn bảo các đầy tớ mở tiệc ăn mừng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng. Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”.
Khi người anh từ ngoài đồng về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, hỏi người đầy tớ thì biết “thằng em trời đánh” vừa trở về và được cha cho làm thịt con bê béo để ăn mừng. Người anh liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng người cha ra năn nỉ. Anh ta so kè: “Cha coi đó, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, cha lại giết bê béo ăn mừng!”.
Người cha phân tích và giải thích chi li ngọn nguồn, người anh hiểu ra. Cả nhà cùng vui mừng đoàn tụ trong tình yêu thương của Thiên Chúa. Hình ảnh người anh và người anh là chính chúng ta, có khi chúng ta tội lỗi ngập đầu mà vẫn “chảnh”, có lúc chúng ta lại so hơn tính thiệt với chính những người xung quanh, thậm chí còn trách cả Thiên Chúa. Quả thật, “lỗi tại tôi mọi đàng” mà thôi!
6. Dê là biểu tượng của những người bị nguyền rủa, trái ngược với chiên – biểu tượng của những người được chúc phúc trong ngày Chúa quang lâm. Trình thuật Mt 25:31-46 cho biết như vậy. Lúc đó, thật diễm phúc cho ai được phân loại là Chiên và ở bên phải, nhưng thật khốn nạn cho ai bị phân loại là Dê và ở bên trái!
Khi Con Người đến trong vinh quang, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Những người là Chiên được Thiên Chúa chúc phúc và cho hưởng trường sinh. Còn những người là Dê ở bên trái, Thiên Chúa tuyên án: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng”. Thế là hết đường cứu chữa, biện hộ kiểu nào cũng vô ích mà thôi. Từ đó, “người dê” phải ra đi để chịu cực hình muôn kiếp!
VĨ NGÔN
Hình ảnh con chiên và con dê rất gần gũi với người Do Thái từ xa xưa. Chúa Giêsu đã giáng sinh nơi máng cỏ tại một hang động có nhiều , chiên, lừa… Chúng thở hơi làm ấm Ngài trong hơi sương giá lạnh. Ngoài ra, hình ảnh con chiên và con dê chịu sát tế làm lễ hy sinh, trở thành của lễ đền tội cho dân Do Thái, mà không một lời than van. Trong Tân ước, tế vật đó chính là hình ảnh Chúa Giêsu gánh chịu mọi tội lỗi của nhân loại, Đấng mà Ngôn sứ Isaia gọi là “Người Tôi Trung” (Is 42, 49, 50 và 52), đã được Ngôn sứ Isaia tiên báo: “Tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50:5-6).
Và hằng ngày, trong các Thánh Lễ ở khắp thế giới đều vang lên lời kinh cầu nguyện tha thiết: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con…”.
Lạy Chúa, xin thương xót chúng con, đặc biệt là trong mùa Xuân này, Tết Ất Mùi này. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Tết Nguyên Đán – 2015

Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

viết bài TLV số 5 lớp 6

Bài Văn miêu tả cây mai ngày tết
Mùa xuân đến hoa đua nhau khoe sắc nở.Hoa nào cũng đẹp, hoa nào cũng toả hương thơm. Nhưng tôi lại thích ngắm nhìn cây mai vang trổ hoa trong những ngày tết đến. Gia đình tôi ở Miền Nam nên không có hoa đào như ở Miền Bắc.
Lá mai nhọn, hao hao giống lá chè. Trời cuối đông, lá mai vàng úa rồi lác đác rụng. Mỗi chiếc lá có một tâm tình riêng. Có chiếc lá thản nhiên rụng xuống cho xong chuyện, không do dự vẩn vơ. Có chiếc lá nhẹ nhàng bay lượn với làn gió thoảng. Có chiếc lá ngần ngại, rụt rè, lưu luyến khi phải xa cành, phải đợi người trồng mai tận tay tỉa chúng. Trước khi đón tết, mai vàng chỉ còn lại những cành khẳng khiu, trụi lá. Duy nhất, là có cái gốc trông vững chải. Tuy vậy, mai vẫn có dáng chiều quằn, chiều lượn, uyển chuyển lắm. Nhìn cây tôi tưởng rằng cây không còn sức sống nhưng đâu nghĩ được rằng dó là sự hi sinh cao cả. Những chiếc lá già đã nhường chỗ cho những chiếc lá non đang lặng lẽ ươm mầm, tiếp tục vươn lên để làm đẹp cho đời. Ngày tết đến, cùng với cảnh giao mùa, cây mai vàng nở rộ, lung linh những chùm hoa tươi thắm. Hoa mai cũng năm cánh như hoa đào nhưng cánh hoa mai to hơn cánh hoa đào một chút. Màu hoa vàng tươi, ấp áp. Cây mai vàng làm đẹp cho sân nhà, đậm đà hương vị của ngày tết. Những câu đối đỏ, những lời chúc mừng năm mới trong những cánh thiệp nhỏ treo trên cành mai thì ý nghĩa biết nhường nào. Nắng xuân ấm nồng, rải nhẹ lên cành cây kẽ lá. Cây mai vàng lại càng đẹp hơn. Mai trông thanh cao, duyên dáng hơn người. những chú ong rù rì đôi cánh đi tìm mật.Thấp thoáng vài chị bướm trắng, bướm nâu rập rờn trong vòm lá xanh non. Chim chóc cũng vui mừng trước sắc xuân, dường như chúng cũng ngợp mắt trước màu vàng trù phú của cây mai ngày tết. Mai vàng thật đẹp, thật quí. Cây mai có mặt từ miền quê yên ả cho đến thành phố lộng lẫy các loại hoa. Mai ung dung đứng trước nhà, chắc nó rất hãnh diện về mình.Cây mai được ông tôi đặt ngay phòng khách, mai vui cung con người đón tết, đón xuân sang. Mỗi khi thấy mai nở, thì tôi lại nhớ đến tết.
Những hình ảnh, ki ức của ngày tết đã làm cho tâm hồn tôi thêm phong phú. Bây giờ tôi nhớ lại những kỉ niệm lúc nhỏ thì tôi lại muốn xuân đến mãi, đến mãi.
Mỗi dịp tết đến, xuân về cùng với hình ảnh của mâm trái cây được đặt trên bàn thờ tổ tiên ông bà thì hình ảnh của cây mai với những cánh hoa vàng rộ càng làm tăng thêm sắc xuân của ngày tết. Như một bài thơ của Mãn Giác đã viết:
“Xuân ruổi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua xuân trước nở cành mai”
Bài văn miêu tả cây mai nhà em
Không biết từ bao giờ trước sân nhà em bố đã trồng một cây mai. Cao khoảng từ 1 đến 2 mét. Gỗ cây to bằng bắp tay em, nó có màu nâu sậm. Thân cây được chia làm nhiều nhánh, mỗi nhánh tỏa ra nhiều cành, các cành trông rất nhỏ nhắn uốn lượn đan vào nhau tạo thành một hình dáng thanh tao đầy dang trọng và quí phái. Lá của cây mai thon dài trông giống như lá trúc hay lá trà nhưng ngắn hơn bán ở ngoài chợ.Mép của nó có răn cưa. Lúc lá non có màu xanh tươi phơn phớt hồng, càng về sau lá càng dày và đậm hơn.Hằng năm cứ trước tết nữa tháng em cùng bố vặt hết là đi.Lúc ấy trông cây mai thật khẳng khiu còn lại toàn thân với cành.Chỉ vài hôm sau, giữa những tán cây, những nụ hoa no tròn đã ẩn trong chiếc đài màu xanh ngọc bích. Các nụ hoa đầu nhọn màu xanh non, từng chùm từng chùm đã bung ra nở rộ. Một màu vàng rực rỡ như một tấm thảm nhung. Hoa mai có năm cánh xòe ra mịn màng như lụa. Dưới ánh nắng của màu xuân thật ấm áp cánh mai mong manh như cánh bướm lượn giữa trời xanh. Giữa màu vàng của hoa, lác đát trên cành đã bắt đầu xuất hiện những lộc non màu xanh pha hồng. Hoa mai có hương thơm lộng lẫy như hoa hồng, nhưng hoa mai có vẻ đẹp dịu dàng đầm ấm.
Hoa mai tượng trưng cho vẻ đẹp mảnh mai dịu dàng, nó là hình ảnh đẹp của mùa xuân. Em ước hình ảnh của hoa mai sẽ nở quanh năm để em được thưởng thức vẻ đẹp của nó. Cây mai như bàn tay vẫy gọi mọi người ở xa về để sum họp gia đình. Không những thế nó còn đem lại nguồn thu nhập cao cho những người trồng cây cảnh.
Bài văn miêu tả cây đào ngày tết
Hôm nay là 29 Tết,em được bố mẹ cho đi chơi chợ hoa.Em thật ngạc nhiên khi đứng trước một khu chợ toàn là hoa đào,hoa mai. Hai sắc hồng,vàng hòa với nhau tạo nên một không gian thật lộng lẫy.Em cảm tưởng như mình đang bị lạc vào xứ sở của mùa xuân.Ngày Tết ở miền Bắc thì không thể thiếu được hoa đào.Em đã giúp bố chọn được một cành đào thật đẹp để trang trí cho ngôi nhà trong dịp xuân này.
Cành đào được bố đặt giữa gian nhà. Những người thợ trồng cây cảnh đã tạo cho cành đào hình dáng giống như mọt con rồng bay lên bầu trời.Vỏ cây đào màu nâu sậm như sắc màu của đất đai màu mỡ,màu của mình Tổ Quốc.Từ một cành chính tỏa ra rất nhiều nhánh nhỏ cùng ở thế vươn lên.Nếu như mỗi nụ đào là một ngọn đèn nhỏ thì cành đào ấy giống như một chiếc đèn lồng lớn,thắp sáng gian nhà em.
Lá đào xanh mướt mát, hình dáng giống con thuyền tí xíu bồng bềnh trên dòng sông hoa.Hoa đào nhìn đẹp lắm.Mỗi bông hoa có nhiều lớp cánh mỏng,mịn màng, xếp trồng lên nhau.Nhụy hoa nho nhỏ,xinh xinh màu vàng tươi.Cây đào còn đẹp hơn khi được em khoác cho một tấm áo sặc sỡ sắc màu.Miền Nam có mai và bánh Tét,còn miền Bắc có đào và bánh chưng.Thế là mỗi miền lại có một hương vị riêng để đón Tết.
Mai,đào năm nay lại nở,mảnh đất Việt ta chợt bừng sáng lên bởi hai sắc hồng và vàng.Thế là một năm mới lại đến.Nhưng người con làm xa nhà cũng đã đoàn tụ bên mâm cỗ để cùng nhau đón Xuân về.
Không biết cây mai người ta trồng từ bao giờ mà thân cây đã bự bằng bắp tay của người lớn.Tán lá tròn tự nhiên xoè rộng ở phần gốc thu nhỏ dần ở phần ngọn. Để cho cây ra hoa vào đúng dịp Tết, người ta đã tuốt lá. Giờ cây chỉ toàn là búp, hoa và vài chồi lá non xanh mơn mởn. Những nụ hoa no tròn ẩn bên trong chiếc đài màu ngọc bích. Từng chùm, từng chùm với hàng loạt cánh hoa bung ra nở rộ toàn thân cây một màu vàng rực rỡ. Hoa mai xoè ra năm cánh mịn như lụa. Dưới nắng xuân ấm áp, cánh mai mỏng manh như bướm đang nghiêng mình khoe sắc. Thỉnh thoảng một vài làn gió nhẹ thổi qua, những cánh mai nhè nhẹ rơi phủ vàng một vùng quanh gốc.
Em rất thích cây hoa mai này, nó không toả hương thơm và lộng lẫy như hoa hồng nhưng nó mang đến cho mọi người sự ấm áp, dịu dàng và đằm thắm của mùa xuân. Mùa xuân đến là mùa mai nở hoa. Những bông hoa vàng xinh xắn giống như một bàn tay vẫy gọi mọi người đi xa hãy trở về sum họp gia đình.
Đề 2: Hãy viết bài văn miêu tả hàng phượng vĩ và tiếng ve vào một ngày hè
Bài làm
Mùa xuân đang trôi đi một cách âm thầm, lặng lẽ. Thế là mùa hè mến yêu đã đến. Lại một niềm vui mới cho lũ học trò nghịch ngợm nhưng lại nôn nao không muốn xa mái trường thân yêu, xa thầy cô, bạn bè, xa cây bàng già và cây phượng thân yêu nữa. Cây phượng mà học sinh thầm thì các bí mật suốt bao năm trời nay. Còn bây giờ thì hoa phượng nở đỏ rực trên từng cành như thắp lửa cả ngôi trường em. Tiếng ve sầu cũng bắt đầu cất tiếng kêu vang. Mọi thứ như hòa quyện vào nhau và tạo nên một bức tranh tuyệt mĩ.
Nhìn từ xa, cây phượng như khoác lên mình một chiếc váy đỏ thật tráng lệ. Gốc phượng to sần sùi vì bao năm tháng qua mưa nắng. Rễ cây ngoằn ngoèo bò trên mặt đất như những con rắn đang vui đùa và cùng nhau mừng mùa hè đến. Hoa phượng đỏ bao nhiêu thì lá cây của nó có một màu xanh um bấy nhiêu . Cành cây đăm ra từ người mẹ của nó. Cuống hoa xanh mơn mởn khoảng tám phân, thon dài, nối liền giữa bông hoa và cành hoa. Nụ hoa thật đẹp, lúc thoáng nhìn cứ tưởng hạt ngọc bích. Hoa phượng nở từng chùm, một màu đỏ rực như muốn tô điểm lên vẻ đẹp lộng lẫy của ngày hè ở trường em. Hoa phượng đỏ rực thế mà sao hiền diệu quá. Khi có một làn gió nhẹ thổi qua cũng đủ làm hoa phượng rơi xuống đất.Nhưng không vì thế mà phượng lấy làm buồn bã, cứ hàng ngày, phượng lại cho ra những bông hoa đẹp của tuổi học trò.Và rồi cuối cùng những bông hoa phượng nở đầy cả cây. Có ai biết rằng, giữa chùm hoa màu đỏ rực đó là nỗi nhớ thương của học trò nhớ thầy cô, bạn bè, trường lớp. Năm cánh hoa phượng mịn như nhung, lung linh dưới nắng hè, có lúc rực lên như chứa lửa chứa nắng. Giữa năm cánh hoa là nhụy hoa như những cô tiên áo vàng đáng tỏa hương thơm ngát, lan tỏa khắp cả khu vườn.Cánh hoa phượng như những anh hùng vĩ đại đã hi sinh vì tổ quốc thân yêu. Màu vàng của nhị hoa như màu da của con người Việt Nam. Hoa phượng như lá cờ đỏ, sao vàng. Thể hiện cho sự anh dũng, yêu Tổ Quốc bao đồng bào dân tộc đã hi sinh vì Tổ Quốc mến yêu. Màu máu đỏ như hòa quyện với màu hoa phượng, để nhắc nhở chúng em nhớ đến những chiến sĩ của đồng bào dân tộc mà cố gắng học tập thật giỏi để mai sau Tổ Quốc giàu đẹp.
Lũ học trò chúng em xem chị phượng như người bạn tri kỉ, chia sẻ những chuyện vui buồn. Cứ mỗi buổi ra chơi, chúng em lại tụ nhau ngồi dưới gốc phượng để tâm tình. Có bạn mặt rạng rỡ khoe với các bạn những điểm mười đỏ chói. Có bạn mặt buồn bực vì những chuyện không vui. Còn gì thích hơn được ngồi dưới gốc phượng, tận hưởng cái cảm giác mát mẻ, dễ chịu giữa trưa hè.Nghe những tiếng ve đang râm rang rạo rực như tan biến những cái mệt mỏi, căng thẳng sau giờ học. Trong không khí nhộn nhịp, nàng phượng vẫn lặng lẽ đứng nhìn chúng em vui chơi, đùa giỡn, em chợt thấy ánh mắt phượng rộn lên. Vẫy tay trong nắng . Rồi những buổi chúng em nhặt những cành phượng để chơi đá gà. Lũ học trò chúng em tụm năm, tụm ba lại mà không biết rằng chị phượng cũng đang đón chờ kết quả.
Cây phượng như người bạn tri kỉ của tuổi học trò chúng em. Hoa phượng báo hiệu cho học trò đủ thứ chuyện. Nào là hè đã đến rồi, đã đến lúc nghỉ ngơi sau một học kì. Một năm học căng thẳng đã đến lúc vui chơi rồi. Nhưng điều quan trọng là hoa phượng báo hiệu đã đến lúc phải xa mái trường, thầy cô, bạn bè. Nhưng dù có xa cách mấy, nó luôn ở trong tim, trong tâm trí của mỗi người. ven công viên có biết bao là cây phượng nhưng em chỉ thấy cây phượng ở trường em là đẹp nhất thôi. Hoa phượng như đánh dấu bước ngoặc trưởng thành trên con đường học vấn nhưng nghĩ đến cảnh xa trường, xa thầy, xa bạn lại thấy nao nao. Các anh chị cuối cấp còn lo lắng hơn vì đó là lúc bước vào kì thi quan trọng.
Vì sao tuổi học trò chúng em lại yêu hoa phượng đến thế. Mỗi lần nhìn thấy hoa phượng hay nghe tiếng ve cất tiếng là lòng em lại nôn nao quá. Chính vì vậy mà cây phượng là kí ức tươi đẹp mà học trò. Với nhiều người, mùa hè đơn giản chỉ là một mùa trong bốn mùa, không hơn, không kém. Nhưng đối với ai đã trải  qua thời áo trắng thì mùa hè là nỗi niềm, là tâm trạng và trong thẩm sâu tâm hồn ta còn nỗi háo hức đón hè về. Phượng ơi, ve ơi, lũ học trò sẽ chẳng bao giờ quên bạn đâu. Nhờ các bạn mà mình hiểu được mùa hè thú vị đến thế nào. Mùa hè mang lại cho chúng mình màu sắc của tuổi thơ yêu dấu. Chúng mình sẽ mãi mãi không quên màu đỏ của hoa phượng. Các bạn ơi đừng ngắt phượng, bắt ve, đừng tàn phá mùa hè bạn nhé.